Dùng công nghệ tạo mưa
Một trận tuyết trái mùa lớn chưa từng có từ trước tới nay đã đổ xuống Bắc Kinh, thủ đô Trung Quốc trong suốt 11 giờ. Chính phủ Trung Quốc khẳng định hiện tượng thời tiết trái khoáy đó là “nhân tạo”. Theo lý giải của đất nước đông dân nhất thế giới này, vào cuối tháng 10, nhiều vùng nông thôn ở phía bắc Trung Quốc phải gánh chịu một trận hạn hán vô cùng nặng nề, dẫn tới tình trạng thiếu nước nghiêm trọng. Do đó, các nhà khí tượng học Trung Quốc đã bắn 186 quả tên lửa chứa đầy hóa chất lên các đám mây để thúc đẩy tuyết rơi.
Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc “can thiệp” vào thiên nhiên. Vào ngày kỷ niệm 60 năm Quốc Khánh, để có được “một bầu trời quang đãng và không mưa” Trung Quốc đã dùng 10 máy bay trực thăng đuổi mây và bắn 432 quả tên lửa để làm sạch bầu trời. Hay để tối khai mạc Olympic không có mưa, Trung Quốc đã bắn hơn 1,000 quả tên lửa lên trời.
Không chỉ riêng Trung Quốc có khả năng điều khiển thời tiết. Ngay từ những năm 1950, Mỹ đã “làm ẩm” mây để tăng cường lượng nước chạy từ dãy núi Sierra Nevada xuống California. Được biết, hóa chất được bắn lên trời, thường là đá lạnh hoặc chất bạc iodide, có khả năng tạo một về mặt cho hơi nước hình thành mưa.
Hiện tượng nóng lên toàn cầu của trái đất đã tạo ra thị trường kinh doanh carbon béo bở trị giá hàng tỷ USD cho các doanh nghiệp tư nhân. Tập đoàn Intellectual Ventures (Mỹ) đã lên kế hoạch khai thác sắt ngoài khơi và bán quặng carbon được lấy từ những rặng tảo, vốn bùng nổ sinh trưởng bởi hiện tượng nóng lên toàn cầu. Tập đoàn này cũng hé lộ ý định bơm một lượng lớn bụi sulphur phản chiếu vào tầng bình lưu của trái đất nhờ một ống cao su dài 18 dặm được giữ bởi những khinh khí cầu helium.
Lợi hay hại?
Một năm sau đó, một nhóm những chuyên gia về thay đổi khí hậu toàn cầu hàng đầu trên thế giới họp mặt tại California (Mỹ) để bàn thảo xem khả năng “can thiệp” vào thiên nhiên của con người có thể được xem là một cách đối phó với nạn ấm lên toàn cầu hiện nay hay không; tổ chức/quốc gia nào có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ đó. Theo David Victor, chuyên gia về chính sách năng lượng của Trường Đại học Stanford (Mỹ), nhiều khả năng sẽ xảy ra tình trạng nhiều quốc gia độc lập hay thậm chí các tập đoàn giàu có sẽ phát triển và thực hiện những phương pháp sinh học tác động tới thời tiết mà không cần hỏi ý kiến đồng ý của cộng đồng quốc tế.
Vì vậy, các chuyên gia môi trường rất lo ngại về tình trạng tự phát “can thiệp tới môi trường” đơn phương của các nước. Nó sẽ có tác động lớn tới lượng mưa trên toàn thế giới và tạo ra sự thay đổi lớn lao cho khí hậu toàn cầu. “Nguy hiểm là một khi một nước nào đó bắt tay thực hiện phương pháp can thiệp môi trường, rất khó để dừng họ lại. Tháo bỏ mặt nạ “ấm lên” của toàn cầu bằng cách này có thể sẽ đẩy Trái Đất vào tình trạng ấm lên một cách nhanh chóng và nguy hiểm hơn”, ông Victor cho biết.
Theo chuyên gia về núi lửa và khí hậu Alan Robock thuộc trường Đại học Rutgers (Mỹ), sự can thiệp của con người vào khí hậu là một ý tưởng vô cùng tồi tệ. Theo nghiên cứu của ông và các đồng nghiệp, bơm khí sulphur vào môi trường có thể làm chậm vòng đời của nước trên toàn cầu và có hại nhiều hơn tới mô hình tạo mưa tự nhiên. Bên cạnh đó, các phương pháp can thiệp thiên nhiên hiện nay chỉ tập trung vào việc ngăn chặn ánh sáng mặt trời, thay vì chặn lượng khí carbon dioxide được thải ra từ xe hơi, xe máy và nhà máy điện. Bề mặt của các đại dương trên Trái Đất sẽ từ từ chuyển hóa thành acid khi lượng carbon ô nhiễm phân hủy trong nước biển. Những rặng san hô và nhiều loại tôm, cua, cá… sẽ chết đi và tuyệt chủng. Biến đổi môi trường cũng có thể làm yếu đi năng lượng mặt trời và khó khăn hơn trong việc vá lỗ hổng tầng ozone.